1. Năm không có mùa hè
Tháng 4/1815, ngọn núi lửa Tambora ở Indonesia bỗng nhiên bừng tỉnh và trở thành một trong những thảm họa núi lửa chết chóc nhất hành tinh. Dòng sông nham thạch nóng bỏng từ miệng “hung thần” đổ xuống đã cướp đi hàng chục nghìn sinh mạng. Tro bụi núi lửa đã tạo nên một đám mây đen khổng lồ và dày đặc tại tầng bình lưu. Khi đám mây bụi này di chuyển khắp thế giới, nó cản ánh nắng Mặt trời chiếu qua, làm nhiệt độ dưới mặt đất giảm đi gần 3 độ C, đồng thời gây ra các hình thái thời tiết xấu trên diện rộng suốt một năm sau đó.
Tại Ấn Độ, các trận hạn hán và lũ lụt do ảnh hưởng của thảm họa Tambora đã làm thay đổi hệ sinh thái ở Vịnh Bengal cũng như làm bùng phát đợt dịch tả giết chết hàng triệu người. Trong khi đó ở châu Âu, những cơn mưa lạnh buốt không ngớt trong thời gian dài đã gây ra nạn đói và bất ổn tràn lan. Còn ở Mỹ, tuyết rơi dày tại nhiều bang giữa tháng 6, phá hỏng mùa màng, châm ngòi cho một cuộc tuột dốc của nền kinh tế. Vùng lãnh thổ New England vì thế đã gọi năm 1816 là “Năm không có mùa hè”.
Thời tiết biến đổi bất thường năm đó cũng đã dẫn đến nhiều câu chuyện thú vị khác. Chính vì chi phí cho ngựa ăn quá đắt đỏ ở châu Âu nên đã thôi thúc nhà phát minh người Đức Karl Drais chế tạo ra phiên bản sơ khai của xe đạp. Còn ở Thụy Sĩ, do thời tiết mưa u ám kéo dài đã khiến nhà văn Mary Shelley quyết định dành nguyên cả mùa hè ở trong nhà để sáng tác rồi sau đó cho ra đời cuốn tiểu thuyết kinh dị kinh điển “Frankenstein”.
2. Bão Mặt trời Carrington
Bão Mặt trời xảy ra khi năng lượng từ tính bị dồn nén trên bề mặt của vầng thái dương được giải phóng rồi tạo thành các vụ nổ của bức xạ và hạt tích điện từ. Sức mạnh của các vụ nổ này khủng khiếp tương đương với hàng triệu quả bom khinh khí, thổi ra các luồng gió Mặt trời có khả năng phá hỏng bầu khí quyển Trái đất. Đó chính xác là những gì đã xảy ra trong khoảng từ 28/8 đến 2/9/1859 khi địa cầu bị tấn công bởi một cơn bão Mặt trời lớn kỷ lục. Hiện tượng này được gọi là “Sự kiện Carrington” đặt theo tên của nhà thiên văn người Anh Richard Carrington - người đầu tiên quan sát thấy một cơn bão Mặt trời.
Khi bão Carrington đổ bộ, bầu trời trở nên sáng lung linh với nhiều quầng cực quang rực rỡ được trông thấy từ khắp Bắc bán cầu tới vùng Caribe. Theo nhiều ghi chép, cực quang sáng đến nỗi mà những người thợ mỏ trên núi Rocky của Mỹ tưởng rằng đã sang ngày mới nên họ vội vã thức dậy làm bữa sáng. Trong khi đó, người dân vùng đông bắc Mỹ lại có thể dễ dàng đọc báo ngay giữa ban đêm. Màn trình diễn ánh sáng quả thực là rất đẹp nhưng nguồn từ trường chúng mang tới đã làm rối loạn toàn bộ hệ thống điện tín liên lạc. Hàng loạt máy điện báo ở châu Âu và Bắc Mỹ bị trục trặc, tóe lửa bốc cháy bất ngờ khiến người sử dụng bị bỏng. Bầu không khí lúc đó tích đầy điện. Tại một số nơi, các kỹ thuật viên không cần lắp pin mà thiết bị của họ vẫn hoạt động được như thường.
Bão Mặt trời Carrington đã tiêu tan vài ngày sau đó nhưng các nhà khoa học dự đoán rằng nếu một sự kiện tương tự xảy ra vào ngày hôm nay, đó sẽ là một cú đánh mạnh vào hệ thống viễn thông toàn cầu. Năm 2013, một nghiên cứu chung giữa công ty bảo hiểm Lloyd của Anh và Viện nghiên cứu khí quyển và môi trường của Mỹ chỉ ra rằng nếu sự kiện Carrington lặp lại thì chỉ riêng nước Mỹ thôi cũng sẽ bị thiệt hại khoảng 2,6 nghìn tỷ USD.
3. Đại dịch châu chấu
Hiện tượng châu chấu phá hoại mùa màng là vấn nạn thường gặp vào khoảng cuối thế kỷ 19 ở vùng biên giới Mỹ nhưng sự kiện đen tối nhất phải kể đến mùa hè năm 1874. Khí hậu khô ẩm của mùa xuân năm đó đã tạo ra một môi trường tuyệt vời để đàn châu chấu khu vực núi Rocky đẻ trứng ồ ạt. Hàng triệu triệu con côn trùng đã nở ra, vây hãm khắp các bang Nebraska, Kansas, Dakota, Iowa và một số nơi khác.
Một buổi sáng cuối tháng 7, cô bé nông dân Lillie Marcks trông thấy ánh nắng bỗng dưng tối mờ đi, tiếp đó là một vùng đen tối kỳ dị quét qua bầu trời Kansas cùng với những âm thanh vù vù, sột soạt. Bé gái 12 tuổi mô tả đó như một “tấm màn chuyển động màu xanh xám ngăn cách Mặt trời và mặt đất”. Thứ kì lạ đó bắt đầu rơi từ trên trời xuống như mưa đá, lộp độp trên mái nhà, cây cối, bám chặt vào các đoàn tàu như thể muốn phá hủy mọi vật. Chúng là những con châu chấu háu đói, chỉ cần vừa chạm mặt đất đã gặm nhấm sạch các cánh đồng hoa màu, rau củ, mọi lá cây, ngọn cỏ thậm chí cả quần áo của con người.
Nông dân chạy vội lấy đồ đạc che chắn những giếng nước quý giá. Họ cố dùng lửa xua đuổi đàn côn trùng hay cho nổ tung chúng bằng thuốc súng. Tuy nhiên mọi cố gắng đều vô tác dụng vì bầy châu chấu quá đông. Mùa màng năm đó mất trắng, thiệt hại hàng triệu USD. Quân đội Mỹ được điều động đến vùng gặp nạn để phân phát đồ cứu trợ nhưng rất nhiều người dân đã rời khỏi nơi đây. Tình trạng tương tự vẫn còn xảy ra trong vài năm sau đó. Chỉ tới đầu thế kỷ 20, khi môi trường vùng núi Rocky thay đổi, lũ châu chấu mới biến mất.
4. Màn mây bụi khổng lồ
Khoảng giữa thế kỷ thứ 6, một đám mây đặc quánh cát bụi đột nhiên xuất hiện và bao trùm khắp hành tinh. Đám mây này có khả năng đã hình thành từ một vụ phun trào núi lửa ở vùng nhiệt đới hoặc do ảnh hưởng của một vụ nổ thiên thạch đâm xuống Trái đất. Ánh sáng Mặt trời bị chặn lại ở tầng khí quyển khiến nhiệt độ ở dưới đất giảm rõ rệt trong vòng một năm.
Mùa đông năm 535 - 536 kéo dài đã mang tới hạn hán, mất mùa và đói kém tại nhiều nơi trên thế giới. Nhiều thông tin ghi nhận tại Trung Quốc đã có tuyết rơi vào tháng 8, sương mù dày đặc ở Trung Đông và châu Âu hay như hạn hán ở Peru. Một số học giả cho rằng hình thái thời tiết lạ này cũng là một yếu tố dẫn tới đợt bùng phát dịch hạch đầu tiên được biết tới ở châu Âu. Giới khoa học ngày nay vẫn chưa thể tìm ra chính xác điều gì đã gây ra hiện tượng giảm nhiệt trên toàn cầu năm đó. Một giả thuyết cho rằng một vụ phun trào núi lửa dữ dội đã tung khói bụi lên bầu không khí rồi che kín ánh Mặt trời.
Kết quả nghiên cứu các mẫu băng niên đại khoảng thế kỷ thứ 6 lấy từ Greenland và Nam Cực cho thấy trong chúng có chứa nồng độ nặng ion sulfat – các phân tử hóa học có trong khói bụi núi lửa. Đây có thể là dấu hiệu của một vụ phun trào mạnh mẽ ở El Salvador vào những năm 530. Các nhà nghiên cứu khác lại gợi ý thủ phạm của hiện tượng bất thường này là một vụ va chạm sao chổi với Trái đất. Trên thực tế, năm 530 đã ghi nhận việc sao chổi Halley bay ngang qua Trái đất. Rất có thể một mảnh thiên thạch vỡ ra từ Halley đã đâm xuống mặt đất rồi tạo nên đám mây bụi khổng lồ trên.
5. Khói mù năm 1952
Không phải thảm họa thiên nhiên nào cũng hoàn toàn do yếu tố tự nhiên. Tháng 12/1952, tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã xảy ra ở thủ đô London của nước Anh trong suốt 4 ngày. Từ 5 – 8/12/1952, do thời gian thời tiết lạnh giá kết hợp với thiếu gió, bụi than đá và khí ô nhiễm từ các nhà máy sản xuất công nghiệp đã ngưng tụ lại, khói mù này đã len lỏi đến từng góc phố, vào từng ngôi nhà. Chỉ vài giờ sau đó, London đã chìm trong một lớp sương mù ngột ngạt chưa từng có. Không chỉ làm xáo trộn sinh hoạt của người dân, chúng còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của thành phố. Tầm nhìn tại nhiều nơi bị hạn chế chỉ còn bằng không. Để ra ngoài đường, người dân buộc phải đeo khẩu trang và mang theo đèn huỳnh quang.
Tại thời điểm đó, hàng ngàn vạn ống khói vẫn nhả khói độc lên bầu trời khiến nồng độ bụi khói tăng gấp 10 lần bình thường. Các chất hóa học trong không khí còn phản ứng với nhau, tạo thành những đám mây axit độc hại. Gia súc chết ngạt trên đồng cỏ, còn người già và trẻ em bị nhiễm viêm phổi nặng. Ít nhất 4.000 người đã thiệt mạng trước khi gió kịp thổi tan lớp bụi ô nhiễm này. Khói mù năm 1952 được xem là sự kiện ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trong lịch sử Anh, để lại tác động nghiêm trọng tới môi trường.
Theo sau sự kiện này, chính phủ Anh đã ban hành Đạo luật Không khí sạch vào năm 1956, khuyến khích người dân chuyển sử dụng than sang các loại nhiên liệu sạch hơn, đồng thời cấm các nhà máy thải khói than tại một số khu vực. Những quyết định mạnh mẽ này đã góp phần giảm dần sương mù ở London trong những năm sau đó.
6. Vụ nổ Tunguska
Hơn 7 giờ sáng ngày 30/6/1908, người Evenki bản địa và các cư dân Nga sống tại vùng đồi núi phía tây bắc hồ Baikal đã trông thấy một cột sáng chói lóa bay vụt qua bầu trời Siberia. Khoảng 10 phút sau, tia sáng này lao xuống khu vực gần sông Tunguska tạo nên một tiếng nổ lớn và luồng áp suất đủ mạnh để phá vỡ cửa kính ở cách đó nhiều km. Vụ va chạm này có sức công phá tương đương với từ 5 tới 10 triệu tấn thuốc nổ TNT, mạnh gấp hàng trăm lần quả bom nguyên tử ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản.
Hơn 80 triệu cây rừng và vô số động vật trên khoảng diện tích hơn 2.100 km2 đã bị xóa sổ. Đáng ngạc nhiên rằng, mặc dù đây là một vụ nổ có sức mạnh kinh hoàng nhưng lại không gây ra bất cứ thương vong nào về con người. Cho đến tận vài hôm sau đó, thiết bị đo khí quyển và địa chấn ở tận Anh vẫn đo được dư chấn của vụ nổ Tunguska. Và bầu trời ở khu vực châu Á vẫn sáng rực giữa ban đêm.
Tại hiện trường, những cây gỗ bị cháy xém, trơ trụi không hề có cành lá, tạo nên một khung cảnh chết chóc. Dường như vụ nổ chỉ xé rách cành và lá cây chứ không hề phá nát thân cây. Điều này khiến cho người dân địa phương càng tin rằng họ đã bị trừng phạt, hoặc bị người ngoài hành tinh tấn công. Đến nay, nguyên nhân của hiện tượng này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải thỏa đáng. Các chuyên gia nhận định vụ nổ do một thiên thạch ngoài vũ trụ gây ra. Thế nhưng vào năm 1927 khi một đoàn thám hiểm Nga tiếp cận được hiện trường vụ nổ, họ không hề tìm thấy dấu hiệu của bất cứ hố sâu nào. Có giả thuyết cho rằng đây là một ngôi sao chổi đóng băng nên nó đã tan biến mà ít để lại dấu vết. Chỉ biết rằng các mẫu thực vật tìm thấy tại vụ nổ Tunguska có nồng độ cao nikel, sắt - các kim loại thường gặp tại các hiện trường thiên thạch rơ
0 nhận xét:
Đăng nhận xét